Thịt thực vật – Hướng đi mới trong chế biến nông sản

Thị trường của sản phẩm gọi là thịt thực vật tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng hơn 10% một năm và sẽ sớm đạt giá trị là 500 triệu USD chỉ sau vài năm nữa.

Thị trường châu Âu là đang là điểm sáng của bức tranh xuất khẩu rau quả. Đây là nhận định của Bộ Công Thương khi đánh giá về tình hình xuất khẩu rau quả năm nay. Trong đó đáng chú ý là sản phẩm mít non đang được tiêu thụ tốt tại thị trường Bắc Âu. Đây là một trong những nguyên liệu chế biến các sản phẩm giả thịt, còn gọi là thịt thực vật.

Thực tế trong vài năm trở lại đây, đã có doanh nghiệp lớn, công ty khởi nghiệp tại Việt Nam nhìn thấy cơ hội mới này. Họ đã đầu tư chế biến mít để khai thác thị trường thịt thực vật và đã có những thành quả ban đầu.

Vụ mít năm nay, cứ 10 tấn nhà chị Nhung (Sáng lập Dự án Lemit Foods) thu hoạch thì có 1 tấn được dùng để chế biến thành các sản phẩm giả thịt, thay vì chỉ biết bán cho thương lái như trước. Những phần như mít non vốn bị xem là loại bỏ đi, không có giá trị khi được bán tươi nhưng nhờ kết cấu giống thịt động vật nên lại phù hợp để được chế biến thành thịt thực vật. Sau chế biến có thể tăng giá trị lên ít nhất gấp 5 lần so với mít tươi.

“Sử dụng mít ở tất cả các giai đoạn từ quả mít non là trái nhỏ nhất cho đến mít 3 tháng, 6 tháng. Việc cắt bỏ mít trên cây sẽ tạo nhiều mít thải đi, không tận dụng được giá trị. Khi mình tận dụng được tất cả các giai đoạn của mít để chế biến sâu sẽ nâng cao được giá trị quả mít cho người nông dân”, chị Nhung cho hay.

Sau 3 tháng đưa các sản phẩm giả thịt như pate mít, thát lát mít… ra thị trường, cơ sở sản xuất của chị Nhung ghi nhận mức tăng trưởng doanh số gần 30%. Mức tăng trưởng hai con số cũng là tiềm năng chung của toàn thị trường.

Hồn thịt da mít - HGTV

Người tiêu dùng có xu hướng ngày càng quan tâm đến sức khỏe sau đại dịch, đã giúp cho các sản phẩm từ thực vật được đánh giá có nhiều tiềm năng để tăng trưởng. Theo một báo cáo, thị trường của sản phẩm gọi là thịt thực vật tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng hơn 10% một năm và sẽ sớm đạt giá trị là 500 triệu USD chỉ sau vài năm nữa.

Theo giới chuyên gia, hiện 70% nguồn nguyên liệu làm thịt thực vật là từ đậu nành. Tuy nhiên thế giới đang ghi nhận xu hướng sử dụng các nguyên liệu mới và mít là một trong số đó. Điều này mở ra cơ hội phát triển ngành chế biến mít, khi Việt Nam có nhiều vùng trồng quy mô lớn.

“Đây là cơ hội cho các startup, đặc biệt ở nông thôn ĐBSCL. Cơ hội này còn dành cho các tỉnh nông nghiệp như Hậu Giang, nơi có diện tích canh tác mít nhiều. Như vậy chúng ta có thể tạo ra cộng đồng sản xuất mít, tạo công ăn việc làm và sinh lợi, tạo giá trị gia tăng theo hướng kinh tế nông nghiệp mới”, ông Trần Anh Tuấn – Viện Phó Viện Nghiên cứu, Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp cho hay.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp làm thịt thực vật phải đầu tư công nghệ mới về chế biến để tăng hạn sử dụng của sản phẩm và mở rộng quy mô. Có quy mô lớn mới tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá. Như vậy mới tính được việc khai thác thị trường xuất khẩu.

Tiềm năng thị trường thịt thực vật

Có thể hiểu nôm na, khác với các món chay “giả” mặn, thịt thực vật là loại thịt có cấu tạo hoàn toàn giống thịt bình thường. Chỉ có điều khác là các axit amin và tất cả những nguyên liệu để tạo màu, tạo mùi vị của miếng thịt thì được chiết xuất hoàn toàn từ trái cây, rau củ.

Khái niệm thịt thực vật hiện vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam. Nhưng ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới, sử dụng thịt thực vật là xu hướng và đã bùng nổ khoảng 5 – 6 năm nay.

Theo Công ty cổ phần Vinamit – doanh nghiệp đã sản xuất nguyên liệu thịt thực vật từ trái mít non để xuất khẩu từ vài năm nay, có một số lý do khiến nhiều người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng thịt thực vật, thay vì động vật đó là họ nhận ra nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ mỡ của động vật hay từ thịt đỏ.

Trong khi việc sử dụng rau củ quả mang lại sức khỏe tốt hơn. Việc chăn nuôi quá nhiều cũng gây ra hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường… Do đó, việc giảm thiểu chăn nuôi, hoặc tăng cường chăn nuôi theo hướng cắt giảm khí thải là việc cần thiết.

Thịt thực vật - Hướng đi mới trong chế biến nông sản - Ảnh 2.

Tại nhiều nước khác trên thế giới, sử dụng thịt thực vật là xu hướng và đã bùng nổ khoảng 5 – 6 năm nay.

Dư địa tăng trưởng rau củ ở EU còn lớn

Theo Vụ Thị trường EU – châu Mỹ (Bộ Công Thương), xu hướng sử dụng đạm thực vật đã giúp sản phẩm mít non của Việt Nam được nhiều nhà nhập khẩu châu Âu tìm kiếm và lựa chọn thời gian gần đây. Điều này cho thấy, dù thị trường EU đã được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác từ lâu nhưng dư địa tăng trưởng còn rất nhiều, nếu nắm bắt được xu hướng.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, mít non được đối tác EU nhập khẩu dưới dạng chế biến, do có cấu trúc gần giống thịt.

Mít nguyên liệu là loại cỡ 1 – 2kg/ quả, được luộc chín, gọt vỏ, sau đó cắt hạt lựu và cấp đông. Khi sản phẩm này được xuất khẩu, sẽ giúp gia tăng giá trị cho cây mít. Vì thông thường nông dân không giữ toàn bộ mít đậu trái, mà phải tỉa bớt, chỉ nuôi một số quả nhất định để đạt kích cỡ tốt nhất.

Hơn nữa, khi Việt Nam có hiệp định thương mại tự do với EU, thuế giảm về 0%, càng có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.

Ban thời sự VTV News – https://vtv.vn/kinh-te/thit-thuc-vat-huong-di-moi-trong-che-bien-nong-san-20221229104325938.htm

en_USEnglish