Thịt thực vật từ mít, nâng tầm giá trị cho nông sản Việt

Khai thác triệt để giá trị từ trái mít, chị Cao Thị Cẩm Nhung, chủ Cơ sở sản xuất nước sốt gia vị và thực phẩm Mai Dương ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã cho ra đời nhiều sản phẩm thịt thực vật.

Vùng ĐBSCL được biết đến có diện tích trồng mít lớn của cả nước với sản lượng ước đạt năm 2022 là 420 nghìn tấn. Trước bối cảnh giá mít giảm sâu thời gian qua, một ý tưởng nâng cao giá trị cho mít cũng đã được hình thành. Sản phẩm thịt thực vật Lemit của chị Cao Thị Cẩm Nhung, đã nhận được nhiều đánh giá tốt từ các chuyên gia về tương lai phát triển của mặt hàng này.

Chị Nhung cho biết, năm 2020, ý tưởng làm thịt thực vật từ mít được hình thành trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm ấy, giá mít giảm sâu chỉ còn 1.500 đồng/kg, nhiều nhà vườn phải chặt bỏ do không bán được. Chị Nhung được lợi thế có sẵn vùng nguyên liệu mít khoảng 0,8ha. Từ đây, chị bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm, nhiều giống mít được lựa chọn để thử nghiệm, cuối cùng mít thái là nguyên liệu cuối cùng được chị Nhung sử dụng cho sản phẩm của mình.

“Tại vùng ĐBSCL trước nay, mít thường được sử dụng tươi hoặc sấy khô, ít ai nghĩ rằng bản chất của thịt mít là một trong những loại thực phẩm dùng để ăn chay, hàm lượng dinh dưỡng cao, không chứa cholesterol, thích hợp cho sức khỏe”, chị Nhung bộc bạch.

Đầu năm 2022, ba sản phẩm đầu tay của thương hiệu thịt thực vật Lemit ra đời gồm: pate mít, chả cá thát lát mít, bánh phồng mít. Đến nay bộ sưu tập sản phẩm thịt thực vật còn có thêm khô mít, snack mít tẩm vị, mộc mít. Chị Nhung phấn khởi cho biết, cơ sở đang tiếp tục nghiên cứu phấn đấu đến cuối năm đưa ra thị trường thêm 3 sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm phục vụ sở thích ăn vặt.

Tùy mỗi loại sản phẩm, sẽ có cách sử dụng nguyên liệu từ mít khác nhau như: bánh phồng thì sử dụng loại mít đã chín, pate mít thì sử dụng mít non, kể hạt mít cũng được chị Nhung tận dụng để “biến tấu” phối trộn trong sản phẩm. Trái mít từ đó cũng được được khai thác triệt để trong chế biến sản phẩm thịt thực vật (trừ vỏ và cùi mít). Từng loại thực phẩm sẽ có những công đoạn và quy trình chế biến riêng. Trong đó, bí quyết để thành công là khâu xử lý mủ mít, đặc biệt mít non, để không ảnh hưởng đến mùi vị của sản phẩm.

Thời gian tới, thương hiệu thịt thực vật Lemit sẽ mở rộng quy mô cơ sở sản xuất, từ thiết bị máy móc, xây dựng các tiêu chuẩn HACCP, ISO để đáp ứng nhu cầu thị trường, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm chay. Cơ sở cũng đã kết nối được với thị trường Hà Lan và Mỹ, hiện đang chờ hoàn tất thủ tục để xuất khẩu trong thời gian tới.

Đồng thời, chị Nhung đang quy hoạch thêm vùng nguyên liệu mới quy mô 3ha tại TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, trồng theo các tiêu chuẩn VietGap, LocalGap. Với sự hỗ trợ cố vấn từ GS Võ Tòng Xuân, chị Nhung kỳ vọng tương lai sẽ thành công, xây dựng cho tỉnh Hậu Giang một thương hiệu thực phẩm riêng từ mít.

Minh Thanh – https://vovgiaothong.vn/thit-thuc-vat-tu-mit-nang-tam-gia-tri-cho-nong-san-viet-d29714.html

en_USEnglish