Hành tây (Allium cepa L) thực phẩm thuộc họ Hành. Khi sử dụng hành tây sẽ khiến cho hơi thở bị bốc mùi hoặc cay mắt chảy nước là do thành phần hợp chất trong hành có chứa lưu huỳnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia những hợp chất này là thành phần chính quyết định lợi ích của hành đối với sức khoẻ. Vậy, ăn hành tây như thế nào để phát huy được lợi ích của nó.
1. Lợi ích dinh dưỡng của hành tây
Ăn hành tây có tác dụng gì? Để trả lời được câu hỏi này trước tiên phải xét đến các lợi ích về mặt dinh dưỡng của hành tây đối với cơ thể.
1.1. Hành tây giàu hợp chất flavonoid
Thành phần hợp chất của hành tây đặc biệt giàu flavonoid – hợp chất thực vật có lợi cho sức khoẻ nhất. Flavonoid hay còn gọi polyphenol có vai trò trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, các bệnh liên quan đến tim mạch hay các bệnh liên quan đến nhiễm trùng.
Hơn nữa, hợp chất flavonoid còn có vai trò chống oxy hóa mạnh có tác dụng trì hoãn hoặc làm chậm các tổn thương tế bào do quá trình oxy hóa diễn ra trong cơ thể. Hợp chất này thường được phân bố tập trung ở phần thịt của của hành vì vậy khi chế biến cần lưu ý để hạn chế làm mất chất dinh dưỡng quý này.
Thêm vào đó, trong hành tây còn chứa hợp chất flavonoid khá quan trọng là quercetin. Hợp chất này đã được các nghiên cứu chứng minh đặc tính chống ung thư của nó. Một vài nghiên cứu gần đầy cũng đã đưa ra kết luận quercetin làm chậm sự phát triển của các khối u đối với bệnh ung thư tuỵ. Ngoài ra, quercetin còn có vai trò trong việc hạ huyết áp của những bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến tim mạch như: Đột quỵ, mạch vành, suy tim, động mạch ngoại biên
1.2. Hành tây giàu hợp chất lưu huỳnh hữu cơ
Thành phần chất khoáng trong hành tây rất giàu lưu huỳnh. Đây cũng chính là hợp chất mang lại mùi vị đặc trưng của loại thực phẩm này. Bên cạnh đó, đây hợp chất này còn có hiệu quả tốt trong giảm viêm đồng thời giảm các triệu chứng gây nên bệnh hen phế quản, viêm khớp và các bệnh liên quan đến tim mạch.
Ngoài ra, hợp chất thiosulfinate trong hành tây được các nghiên cứu chứng minh có tác dụng chống đông máu tự nhiên, ngăn ngừa hình thành các cục máu đông trong lòng mạch. Nhờ vậy, giúp bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến tim mạch có thể giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
1.3. Hành tây giàu hợp chất crom
Ăn hành tây có tốt không? Thực chất, thành phần dinh dưỡng của hành tây có chứa chất khoáng crom có khả năng hỗ trợ điều hòa đường huyết và tăng cường hoạt tính của hormon insulin. Hơn nữa, chất khoáng này còn tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển hóa carbohydrate, chất béo và protein trong cơ thể. Yếu tố này khá đặc biệt và có vai trò quan trọng đối với những bệnh nhân mắc đái tháo đường loại 2 hoặc những bệnh nhân bị kháng insulin.
1.4. Hành tây giàu vitamin C
Hành tây, nguồn thực phẩm cung cấp khá phong phú vitamin C. Vitamin này được coi như chất chống oxy hoá quen thuộc đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể. Hơn nữa, vitamin C còn có một vai trò quan trọng không kém trong việc cải thiện hấp thu sắt cho cơ thể.
Vitamin C trong các loại rau rất dễ mất đi bởi các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, ánh sáng, kim loại… Tuy nhiên, với các loại củ quả thì hàm lượng vitamin C ít mất hơn.
2. Một số tác dụng phụ của hành tây
Bên cạnh việc tìm hiểu hành tây có tác dụng gì? chúng ta không thể bỏ qua việc liệu sử dụng hành tây nhiều sẽ đem lại các tác dụng phụ gì?
Một trong những nhược điểm không thể không nhắc tới của hành tây đó chính khiến nước mắt người sử dụng bị chảy. Và một số tác dụng phụ khác như:
- Hôi miệng: Hành tây có họ với tỏi và hành củ. Họ hành đều chứa các hợp chất sulfuric và khi vào cơ thể sẽ được chuyển hoá sau đó đi vào máu. Máu sẽ được tuần hoàn khắp cơ thể, chính vì thế khi bạn ăn hành tây sẽ gây ra tình trạng mồ hôi có mùi hành tây. Ngoài việc đổ mồ hôi cơ thể có mùi hành, thì khi ăn hành tây cũng sẽ để lại mùi trên miệng của chúng ta. Cơ chế này có thể giải thích do hợp chất sulfur chuyển hoá trong gan khiến cho hơi thở có mùi của sulfur. Tình trạng hơi thở có mùi sẽ được nhận biết ngay sau khi ăn hành tây kể cả lá hành tây, và điều này sẽ mất đi khi hành được tiêu hoá toàn bộ trong cơ thể.
- Sử dụng hành tây quá mức sẽ làm tăng tình trạng của hội chứng ruột kích thích: Đây được coi như rối loạn tiêu hóa thường gặp có ảnh hưởng đến ruột già đồng thời gây ra những biểu hiện như chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, hoặc có thể gây nên tình trạng táo bón. Triệu chứng này mặc dù không gây hại cho đường ruột, nhưng nó sẽ làm cho người mắc cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Tình trạng hội chứng ruột kích thích thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới và xuất hiện ở những người có độ tuổi dưới 45 tuổi.
Một số kích thích đến hội chứng ruột kích thích như tình trạng căng thẳng, hoặc một vài thực phẩm có thể làm cho triệu chứng của hội chứng ruột kích thích trở nên nghiêm trọng hơn trong đó phải kể đến hành tây.
- Gây trào ngược dạ dày: Nếu bạn có biểu hiện ợ nóng hoặc bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì chế độ ăn không nên sử dụng hành tây. Bởi vì hành tây có thể gây ra các tác dụng ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh như: cảm giác nóng rát ở ngực, đau họng hoặc vị của dịch trong miệng. Đối với một số trường hợp cụ thể, bệnh trào ngược dạ dày có thể dẫn đến nghiêm trọng do sử dụng hành tây.
Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/hanh-tay-co-tot-khong-tac-dung-cua-hanh-tay/