Thời điểm năm 2019, mít được giá, người dân ồ ạt phá vườn, lên liếp trồng mít. Hậu Giang là tỉnh chiếm hơn 50% diện tích của toàn vùng nhưng cây mít vẫn không thoát khỏi vòng xoáy “được mùa, rớt giá” của nền nông nghiệp thiếu liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ. Đốn mít hay chờ giá cả khởi sắc là bài toán hóc búa khiến nhiều nông dân trăn trở. Còn với chị Cao Thị Cẩm Nhung – Nhà sáng lập Lemit food trong tình thế khó khăn chị đã tìm cách nâng tầm trái mít hướng đến thị trường tỷ đô.
Cắt bỏ những trái mít non nhường dinh dưỡng nuôi trái lớn là việc làm thường xuyên của nhà vườn nhưng ít ai biết rằng chúng ta đã bỏ phí nguồn thực phẩm có giá trị cao gấp 5 lần so với mít tươi.
Chị Cao Thị Cẩm Nhung chia sẻ: ” Qua quá trình nghiên cứu thì tôi được biết rằng thịt mít là một trong tám loại thực phẩm dùng để chế biến ăn chay. Bản chất của mít là có cấu trúc giống sớ thịt nhất. So với các loại đậu nành, các loại đậu khác thì mít là một trong những loại thịt thực vật, nó có một cái hàm lượng Cholesterol bằng không và cái hàm lượng kali trong trong mít rất là cao, hàm lượng muối rất là thấp, phù hợp cho sức khỏe chúng ta. Đặc biệt quan tâm về chế độ chay hay là chế độ ăn kiêng linh hoạt hoặc dưỡng”. Khác các món chay “giả” mặn thì thịt thực vật có cấu tạo giống thịt bình thường nhưng được sản xuất từ trái cây, rau củ. Yếu tố then chốt là cách làm và công nghệ chế biến. Sở hữu vốn kiến thức chuyên môn về hóa học kết hợp với các nghiên cứu tự tìm hiểu, chị Nhung chọn mít non gọt bỏ vỏ, giữ lại toàn bộ các thành phần khác như thịt, xơ, hạt.
Cùi mít non từng bỏ đi qua bàn tay sáng tạo, chị Nhung kết hợp với các loại nấm, rau mùi tạo thành món pate độc đáo dành cho bữa sáng. Một lát mít non chứa 155 gram calo, 3g chất xơ và cung cấp khoảng 15% lượng vitamin C cho cơ thể. Thay vì dùng khá nhiều thịt, mỡ động vật thì pate là gợi ý bảo vệ tim mạch, ăn uống bảo vệ sức khoẻ. Còn tính toán về kinh tế, 1 hộp pate mít trọng lượng 100gram có giá 35 ngàn đồng, trong đó chỉ dùng hơn 70 gram mít non như vậy giá trị đã tăng gấp nhiều lần.
Lần thứ 2 khởi nghiệp, chị không nhận được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè bởi xu hướng “thịt nhưng không có thịt” còn mới mẻ. Chìa khoá tìm được chủ nhân, với bí quyết này chị Nhung mở ra cách cửa mới cho mít với 6 sản phẩm độc đáo. Các sản phẩm ăn vặt từ mít gồm bánh phồng, snack tẩm gia vị, khô mít. Thịt thực vật dùng trong bữa ăn hàng ngày gồm chả cá, pate, mộc mít. Các sản phẩm trong giai đoạn thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường.
Ấn tượng là thịt mít có hàm lượng dinh dưỡng gần với thịt. Người sử dụng chế biến thành các món gỏi, cà ri thơm ngon và phù hợp với xu hướng ăn ít thịt động vật, bảo vệ sức khoẻ.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng, Viên Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo doanh nghiệp đánh giá cao các sản phẩm chế biến từ trái mít của chị Cao Thị Cẩm Nhung, ông chia sẻ: ” Chuỗi giá trị mít của Úc, Ấn Độ là nguyên liệu thần kỳ đối với các quốc gia nghèo. Ông trời tạo ra trái mít với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, có đạm, đường, vitamin tốt da, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Thế giới đang chọn mít như thực vật chay tốt cho sức khoẻ. Xu hướng không thịt là xu hướng lớn, sản phẩm đi theo xu hướng kinh tế xanh.”
Hiện thị trường của thịt thực vật tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hơn 10% một năm và dự báo đạt hơn 500 triệu USD trong vài năm tới. Trước đây 70% nguồn nguyên liệu làm thịt thực vật là đậu nành và mít trở thành làn gió mới cho nguồn nguyên liệu này, mở ra cơ hội cho chị Nhung khi ĐBSCL, đặc biệt là Hậu Giang có vùng nguyên liệu dồi dào.
Khởi nghiệp thành công đến từ ý tưởng mới, quá trình nghiên cứu và tiếp cận thị trường. Sau 3 tháng thử nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh, doanh số của Lemit tăng 30% và sẽ còn tăng nữa khi nhiều khách hàng lớn tìm đến.
“Hồn thịt, da mít” là sáng tạo của chị Cao Thị Cẩm Nhung tạo ra những giá trị mới cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long và thể hiện tình yêu dành cho người dân “một nắng hai sương”.Trái mít từng có giá 1-2 ngàn đồng một ký nhưng nay khách hàng khắp thế giới tìm đến chị Nhung đặt hàng với giá cao gấp vài chục lần. Trái mít nâng tầm OCOP 4 sao, người trồng mít sẽ có thu nhập ổn định và phấn khởi hơn trước hướng đi mới.
https://haugiangtivi.vn/tin-tuc/hon-thit-da-mit